Đại dịch COVID-19 đang gây ra nhiều ảnh hưởng to lớn cả tích cực và tiêu cực đến nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên nhìn chung, ta có thể thấy kinh tế thị trường đang sụt giảm nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp trở nên khốn đốn. Hãy cùng Onshop tìm hiểu xem doanh nghiệp nên làm những gì để có thể vượt qua cuộc khủng hoảng này nhé!
Nhận định tình hình hiện tại
Trong tình hình dịch bệnh bùng phát, có nhiều ngành hàng đang “hưởng lợi một cách không mong đợi” từ COVID như y tế, chuyển phát nhanh, thương mại điện tử,… Trong giai đoạn này mối quan tâm chính của đa số mọi người là đồ dùng y tế để đảm bảo sức khỏe (khẩu trang, nước rửa tay,…) và các nhu yếu phẩm trong cuộc sống. Ngoài ra, việc hạn chế đi lại cũng làm nhu cầu đặt và nhận hàng online tăng mạnh, từ đó thúc đẩy sự phát triển của ngành thương mại điện tử, chuyển phát nhanh…
Đó chỉ là số ít ngành hàng nhận được ảnh hưởng tích cực so với vô số các ngành khác đang gặp khó khăn. Những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất phải kể đến khối Du lịch, Ăn uống, Giải trí, Thời trang…
Lý giải cho sự khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải này phải kể đến:
- Nỗi sợ bị nhiễm bệnh khiến người dân hạn chế ra đường, tụ tập, tiếp xúc đông người.
- Việc nhập khẩu các sản phẩm, nguyên liệu từ nước ngoài bị chặn và hạn chế.
- Chính phủ ban hành quyết định dừng hoạt động tất cả các cửa hàng ăn uống, địa điểm vui chơi,… trong hơn 2 tuần lễ.
- Hiệu ứng dây chuyền ảnh hưởng đến những công ty kinh doanh bất động sản, quảng cáo và tổ chức sự kiện mất đi các dự án và khách hàng.
Trong bối cảnh khó khăn đang bủa vây tất cả các ngành, các lĩnh vực, nhiều doanh nghiệp nên kích hoạt trạng thái “năng lượng thấp – ngủ đông” để sống sót qua mùa dịch, đồng thời chuẩn bị nguồn lực để phục hồi sau khủng hoảng.
1. Tối ưu chi phí
Hạn chế các khoản chi hay vay mượn nợ lớn trong 6 tháng đầu năm 2020
Do diễn biến của dịch COVID vẫn còn đang rất phức tạp, nhu cầu chi tiêu trong mùa dịch giảm đáng kể, chưa có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, khả năng hoàn vốn rất thấp. Đồng thời việc giao dịch hàng hóa không ổn định, nguồn hàng đang thiếu hụt trầm trọng.
Trong trường hợp xấu cần nguồn vốn khẩn cấp, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ xin gia hạn nộp thuế và xin trả chậm cho ngân hàng. Nhưng đúc kết lại chi hay mượn nợ lớn trong 6 tháng đầu năm 2020 là cách đưa doanh nghiệp đến bờ vực “phá sản” nhanh nhất.
Cắt giảm chi phí cho nhân viên
Việc liên tục phải chi trả lương cho nhân viên như bình thường trong khi nguồn thu lợi nhuận lại bị sụt giảm nghiêm trọng khiến doanh nghiệp phải chịu nhiều áp lực lớn. Một số biện pháp mà nhiều doanh nghiệp sử dụng để giải quyết tình hình này đó là:
- Cắt giảm giờ làm nhưng giữ nguyên số lượng nhân viên hoặc chuyển nhân viên full-time thành part-time.
- Đăng ký nghỉ xoay ca. Nhân viên có thể làm 2 tuần, nghỉ 1 tuần và xoay ca với những đồng nghiệp khác.
- Làm việc tại nhà và trao đổi qua online để giảm thiểu chi phí vận hành, thuê mượn, di chuyển.
- Cho nhân viên nghỉ việc, đây là quyết định không doanh nghiệp nào muốn.
Tuy nhiên ngày 27/3, Thủ tướng Chính phủ đã ra chính sách xem xét cho các doanh nghiệp vay vốn không lãi suất để trả lương cho người lao động. Đây được đánh giá là một động thái tốt của nhà nước nhằm giúp các doanh nghiệp trụ vững qua mùa dịch.

2. Thực hiện các biện pháp vệ sinh
Bộ Y tế khuyến khích nhiều doanh nghiệp có các biện pháp vệ sinh văn phòng, cơ sở làm việc nhằm giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh như phun khử trùng toàn bộ nơi làm việc, yêu cầu nhân viên đeo khẩu trang, xịt rửa tay và đo thân nhiệt cho khách tới mua hàng, thực hiện cách ly theo hướng dẫn… Điều này đảm bảo cho nhân viên làm việc và khách hàng an tâm khi được hoạt động trong một môi trường an toàn.

3. Tìm hướng đi mới
Doanh nghiệp có thể sống sót qua mùa dịch COVID không phải là doanh nghiệp mạnh nhất, mà là doanh nghiệp biết thích nghi và thay đổi nhất. Doanh nghiệp nên tận dụng tối đa thời gian rảnh rỗi để suy nghĩ về việc phát triển bất kỳ dịch vụ và sản phẩm nào mới. Nên khuyến khích nhân viên tham gia vào quá trình này để người lao động cảm thấy có giá trị và năng suất làm việc tốt. Nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn hướng đi mới cho mình như:
- Nhiều khách sạn đăng kí là nơi tập trung cách ly có trả phí.
- Đẩy mạnh việc giao hàng cho khách đặt mua online.
- Sử dụng dây chuyền sản xuất để sản xuất khẩu trang, nước rửa tay,…
- Đưa nhiều sản phẩm truyền thống lên sàn thương mại điện tử như sản phẩm bảo hiểm.
4. Đa dạng kênh bán hàng
Khi dịch bệnh bùng nổ, người dân có xu hướng ở trong nhà và hạn chế đi ra ngoài, đến những nơi đông người. Tuy nhiên nhu cầu mua các sản phẩm, nhất là các nhu yếu phẩm thì không suy giảm. Báo cáo của bộ phận phân tích thuộc công ty chứng khoán SSI đã lưu ý rằng: thói quen người tiêu dùng sẽ chuyển từ chợ truyền thống sang hình thức mua sắm trực tuyến để đảm bảo an toàn sức khỏe cao nhất.
Doanh nghiệp có thể tận dụng điểm này để đa dạng kênh bán hàng của mình, chuyển từ buôn bán offline sang online. Một số doanh nghiệp nhanh nhạy đã nhanh chóng chuyển hướng hoạt động, chẳng hạn mở lớp học, workshop trực tuyến trên Livestream, Webinar. Huấn luyện viên thể dục thay vì đến phòng tập nay đã cung cấp giáo trình online, hướng dẫn và giám sát học viên qua màn hình điện thoại, máy tính,…

5. Triển khai các công việc chưa được thực hiện
Mùa dịch bệnh cũng được coi là thời điểm vàng để xúc tiến những công việc còn tồn đọng hay chưa triển khai vì thiếu thời gian và nguồn lực. Nhiều doanh nghiệp đã tiến hành việc thiết kế website mua hàng cho công ty, tìm kiếm để mở rộng phân khúc thị trường mới, chuẩn hóa bộ quy trình trong doanh nghiệp, phát triển định hướng kinh doanh để khắc phục sau dịch…
6. Đào tạo đội ngũ nhân viên
Nhiều công ty đã tổ chức cho nhân viên trực tiếp chia sẻ kinh nghiệm của bản thân về những chủ đề như: làm việc hiệu quả, quản lý thời gian hay phát triển bản thân. Ngoài ra, một số chủ doanh nghiệp cũng phổ biến lại những nguồn kiến thức hay lớp học online, đa phần là miễn phí, để nhân viên trau dồi ngay tại nhà.

Bên cạnh đó, chủ doanh nghiệp cần nhìn ra những nhân sự cốt cán để có biện pháp khích lệ họ kịp thời. Bởi nhân sự là nền móng của doanh nghiệp, nếu không có họ chẳng khác nào “đi đánh cá mà không có lưới”.
Ở thời điểm này, doanh nghiệp phải luôn luôn đảm bảo không gian làm việc luôn an toàn và chuyên nghiệp cho nhân viên theo khuyến nghị của Bộ Y tế. Đồng thời, động viên họ giãn thời gian tăng lương mỗi năm để doanh nghiệp có thể khôi phục lại một cách nhanh chóng.
7. Tăng cường truyền thông bên ngoài
Bạn cũng nên thực hiện các hoạt động truyền thông trong thời gian này nếu:
- Doanh nghiệp đang có hướng chuyển mình sang hình thức mới, tìm kiếm thị trường mới và cần đa dạng hóa thị trường đầu ra. Chẳng hạn nhà hàng chuyển từ bán tại chỗ sang giao thức ăn tại nhà…
- Doanh nghiệp nằm trong nhóm có cơ hội tăng trưởng trong mùa dịch như đã nêu ở trên. Sau khi đã xác định mình có sản phẩm, dịch vụ đáp ứng được nhu cầu khách hàng, hãy chuẩn bị nội dung truyền thông trúng insight khách hàng, chi một ít ngân sách để tiếp cận các khách hàng có nhu cầu.
Kết luận
Cơn sóng COVID đang có nhiều tác động đến cả cuộc sống và công việc kinh doanh của chúng ta. Để có thể tồn tại, nhiều doanh nghiệp đã, đang, và nên thực hiện các hoạt động tối ưu hoá chi phí, cải tiến sản phẩm/dịch vụ phù hợp với người tiêu dùng, theo dõi chặt chẽ dòng tiền…
Cuộc chơi đã hoàn toàn khác, đây là cuộc chơi hội nhập. COVID xuất hiện là cơ hội mới để các doanh nghiệp hoàn thiện mô hình kinh doanh, tăng khả năng ứng phó với sự thay đổi trong bối cảnh tình hình kinh doanh quốc tế có thể có nhiều đột biến không dự kiến trước được.
GS.TS NGUYỄN ĐỨC KHƯƠNG
Chủ tịch Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global)